Đồng chí Đinh La Thăng và đồng chí Phùng Đình Thực trao quyết định thành lập cho ban lãnh đạo PVEngineering.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của PV Engineering. Với cột mốc quan trọng này, PV Engineering đã trở thành một trong những công ty tiên phong hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế hội đủ các điều kiện về nhân lực, công nghệ và tầm ảnh hưởng để chuyển đổi thành công qua mô hình Tổng công ty, với các đơn vị thành viên: Công ty CP Tư vấn Xây dựng Đầu tư Dầu khí (PCIC), Công ty CP Tư vấn Quản lý Dự án PVE (PVE-PMC), Công ty CP Tư vấn Khảo Sát Dầu khí PVE (PVE-SC), Trung tâm Tư vấn Thiết kế Dầu khí (DEC).
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phùng Đình Thực – Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, lĩnh vực tư vấn thiết kế là một trong các ngành mũi nhọn được Tập đoàn chú trọng và tập trung phát triển, bên cạnh đó ông cũng đánh giá rất cao những nỗ lực và cố gắng của Tập thể CB CNV PV Engineering trong suốt quá trình hơn 10 năm xây dựng và phát triển. Tập đoàn cam kết sẽ tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tối đa để PV Engineering được tiếp cận và thực hiện các dự án lớn của Tập đoàn ở cả trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương, đã gửi lời chúc mừng sâu sắc tới Tập thể CB CNV trong toàn Tổng công ty, bà nhận định với việc PV Engineering trở thành Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Cũng tại buổi lễ, PV Engineering đã ký thỏa thuận cổ đông chiến lược với Technip, qua đó Technip sẽ tiến hành mua khoảng 2,5 triệu cp của PV Engineering, tương ứng 10% vốn điều lệ, tiếp đó PV Engineering cũng tiến hành ký hợp đồng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và lập dự toán đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 được thiết kế có công suất vận chuyển khoảng 7 tỷ m3 khí/năm, là một công trình trọng điểm quốc gia được tiến hành xây dựng với mục tiêu để vận chuyển khí từ các mỏ: Hải Thạch, Mộc Tinh, Thiên Ưng, Mãng Cầu và các mỏ khác thuộc bể Nam Côn Cơn, đồng thời dự án cũng hướng tới phương án vận chuyển khí nhập khẩu từ các nước trong khu vực vào bờ được xử lý tại Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn 2. Dự án bao gồm: Hệ thống đường ống trên bờ 38 km và ngoài khơi 255 km; Nhà máy xử lý khí 20 triệu m3 khí/ngày đêm, thu hồi LPG và khả năng nâng cấp chế độ thu hồi etan, các trạm van, đầu chờ và các thiết bị phụ trợ. Với việc ký kết thành công các hợp đồng này, PV Engineering tiếp tục khẳng định được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn thiết kế Việt Nam.
Với vị thế và vai trò mới, PV Engineering quyết tâm thực hiện mục tiêu “Phát triển Tổng Công ty Tư vấn – Thiết kế Dầu khí trở thành doanh nghiệp mạnh, với một số lĩnh vực kinh doanh chính (core businesses) đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước. Đồng thời, từng bước mở rộng hoạt động ra nước ngoài”. Phấn đấu đến năm 2015, PV Engineering có đủ năng lực để thiết kế cơ sở, thiết kế FEED, thiết kế chi tiết cho các dự án onshore từ 3 tỷ đô la trở xuống, tham gia thiết kế các dự án offshore gần bờ (dưới 200 mét nước), đạt khoảng 80% khối lượng công việc.