Qua quá trình hợp tác giữa 02 bên và sự chuẩn bị chu đáo các hạng mục liên quan đến dự án. Ngày 27/12/2013 tại trụ sở văn phòng Tổng Công ty Tư Vấn thiết Kế Dầu khí – PV Egineering, Lễ ký kết Hợp đồng EPC thực hiện dự án được long trọng tổ chức.
(Toàn cảnh lễ ký kết tại trụ sở PVE)
Côn Đảo là một huyện đảo còn nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề thiếu nguồn cung cấp điện, nguồn điện hiện tại của đảo chủ yếu được cung cấp từ nhà máy Diesel, phần lớn máy móc đã cũ, với giá thành cao lên đến 8.000đ/kWh. NMĐ gió huyện Côn Đảo đi vào hoạt động đảm bảo cung cấp điện năng ổn định và tin cậy cho huyện Đảo, thay thế các nguồn điện từ Diesel với chi phí sản xuất điện ngày càng tăng do giá nhiên liệu ngày càng cao.
Dự án Nhà máy điện gió huyện Côn Đảo được Công ty CP Phát triển Công nghệ Tài Nguyên Xanh đầu tư với mong muốn đem nguồn năng lượng xanh, sạch đến cho đồng bào huyện Đảo góp phần giảm áp lực thiếu điện, kích thích sự phát triển Kinh tế Xã hội cho huyện Đảo. Dự án được triển khai thực hiện theo hình thức EPC, trong đó Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – (PVE) đảm nhận vai trò Tổng thầu EPC cho dự án, thực hiện toàn bộ các công việc: Khảo sát địa hình & địa chất, Đánh giá tiềm năng gió, Đánh giá lại Hồ sơ dự án đầu tư, Thiết kế công nghệ tổng thể nhà máy, Thiết kế chi tiết, Mua sắm, Vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng trên biển, Thi công, Nghiệm thu, Chạy thử, Bàn giao và Bảo hành cho toàn bộ dự án NMĐ gió huyện Côn Đảo bao gồm các hạng mục chính như sau:
- 02 Tuabin gió trên biển, công suất 2x2MW;
- Tuyến cáp ngầm biển 22kV từ Tuabin gió vào bờ, chiều dài 2,5km;
- Hệ thống điện, điều khiển, thông tin liên lạc của nhà máy;
- Trung tâm điều hành công nghệ cao;
- Các cơ sở hạ tầng và hệ thống phụ trợ cho nhà máy;
(Phát biểu của Chủ đầu tư dự án: Ông Nguyễn Hồng Quang – Tổng Giám Đốc Greenmade)
Với bề dầy kinh nghiệm và những thành công thực tế qua các dự án Dầu khí từ các khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ đến chế biến các sản phẩm dầu khí, hóa dầu & kinh doanh, phân phối các thành phẩm của ngành dầu khí…PVE đã tự tin sẽ thực hiện thành công dự án nhằm đem lại lợi ích trực tiếp đến cho người dân huyện Đảo, cũng như đem lại hiệu quả cho Chủ đầu tư thông qua dự án dự án.
Vượt qua mọi khó khăn về điều kiện thi công trên biển với các yếu tố thời tiết bất ngờ khó lường trước, với sức trẻ, lòng quyết tâm, sự chuyên nghiệp và trách nhiệm của một đơn vị Tư vấn Thiết kế đầu ngành, PVE đã vững tin và mạnh dạn tham gia thực hiện dự án với mong muốn khẳng định vị thế, từng bước thực hiện thành công sứ mệnh trở thành Tổng công ty số một ở Việt Nam và tiến tới là một trong những đơn vị Tư vấn Thiết kế hàng đầu trong khu vực.
(Phát biểu của Tổng thầu EPC: Ông Đỗ Văn Thanh – Tổng Giám Đốc PVE)
Qua quá trình 15 năm hình thành và phát triển, tập thể Cán bộ, Kỹ sư và chuyên gia của PVE không ngừng rèn luyện tự nâng cao năng lực, không ngại thử thách, sẵn sàng tiếp thu và khám phá các lĩnh vực mới đem lại lợi cho đất nước trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với những kinh nghiệm thiết kế trong lĩnh vực Dầu khí, đặc biệt là từ các dự án ngoài khơi, PVE đã đề xuất với Chủ đầu tư áp dụng giải pháp thiết kế nền móng đặc thù của các công trình biển cho phần móng Turbine gió của dự án Nhà máy điện gió huyện Côn Đảo nhằm rút ngắn thời gian thi công, thời gian huy động thiết bị/ phương tiện thi công, giảm thiểu rủi ro và qua đó tiết kiệm chi phí xây dựng cho dự án. Ngoài ra, bằng việc lập Phương án thi công phù hợp cho phép huy động và sử dụng các phương tiện sẵn có trong nước để phục vụ thi công thay vì phải thuê thiết bị của nước ngoài cũng đã tiết kiệm lượng lớn chi phí cho dự án.
Mặc dù, năng lượng gió là một nguồn năng lượng sạch, kinh tế, không gây ô nhiễm không khí và có khả năng tự tái tạo bởi tự nhiên nhưng có nhược điểm là không đều và không liên tục. Vì vậy, để có thể tận dụng nguồn năng lượng từ gió để sản xuất điện ổn định và liên tục cho nhu cầu của huyện đảo, Nhà máy điện gió huyện Côn Đảo cần phải có giải pháp phù hợp để bù và hấp thụ công suất trong các trường hợp gió yếu hoặc mạnh bằng cách sử dụng kết hợp các nguồn năng lượng khác để điều hòa công suất đầu ra của hệ thống. Tổng thầu EPC – PV Engineering đã cùng Chủ đầu tư – Greenmade tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu để áp dụng công nghệ phát điện hỗn hợp Wind-Diesel tiên tiến cho nhà máy. Gói giải pháp này bao gồm các máy phát Diesel đáp ứng nhanh, hệ thống tải tiêu thụ (Dumpload) và hệ thống điều khiển trung tâm. Máy phát Diesel sẽ bù vào năng lượng gió thiếu hụt khi năng lượng gió thấp, trong khi các tải Dumpload có nhiệm vụ hấp thụ năng lượng gió thừa khi phụ tải tiêu thụ thấp. Điểm kỹ thuật cốt lõi của gói giải pháp này yêu cầu phải điều khiển đáp ứng đủ nhanh đảm bảo ổn định hệ thống, chất lượng điện năng để phát lên lưới điện cung cấp cho các hệ thống phân phối, tiêu thụ trực tiếp tới dân cư. Để thực hiện được những công việc này, PV Engineering đã nghiên cứu tài liệu của Chủ đầu tư để đánh giá tiềm năng gió, lựa chọn các giải pháp công nghệ – điện, tính toán đấu nối, ổn định lưới điện… từ đó thực hiện hoàn chỉnh thiết kế cơ sở tổng thể cho toàn dự án. Thông qua dự án Nhà máy điện gió huyện Côn Đảo, các kỹ sư công nghệ của PV Engineering cũng đã đồng thời viết thành công chương trình đánh giá và ước lượng năng lượng gió qua đó giúp việc giải nhanh và chính các các bài toán về năng lượng gió.
Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, Chủ đầu tư và Tổng thầu sẽ tiếp tục bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, lên kế hoạch và triển khai thực hiện dự án nhằm đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong Quý III/2015, với giá bán điện đã được thỏa thuận là 25cent/kwh (khoảng 5.300đ/kwh). Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực huyện Côn Đảo, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của nguồn điện Diesel, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.
(Đại diện lãnh đạo hai bên ký kết hợp đồng)
(Hợp đồng được các bên cam kết cao để triển khai an toàn, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tiến độ)
1. THÔNG TIN CHUNG CỦA DỰ ÁN
- Tên dự án: Nhà máy điện gió huyện Côn Đảo
- Địa điểm xây dựng: Vịnh Côn Sơn, Huyện Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Tiến độ thực hiện: 2 năm
- Tổng diện tích sử dụng đất của dự án: 11,8 ha. Trong đó:.
- Khu vực lắp đặt tuabin trên biển (9ha);
- Khu vực trung tâm điều hành (0,3ha);
- Khu vực nhà ở chuyên gia (2,5ha);
- Chủ đầu tư: Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Tài Nguyên Xanh (Greenmade)
- Tổng Thầu EPC: Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí – CTCP (PVEngineering)
- Phạm vi công việc chính của Tổng thầu: PVE sẽ thực hiện toàn bộ các công tác Khảo sát, Đánh giá Hồ sơ DAĐT, Thiết kế công nghệ tổng thể, Thiết kế chi tiết, Mua sắm, Vận chuyển, Thi công, Nghiệm thu, Chạy thử, Bàn giao và Bảo hành cho toàn dự án NMĐ gió huyện Côn Đảo bao gồm các hạng mục chính như sau:
- 02 Tuabin gió trên biền, công suất 2x2MW;
- Tuyến cáp ngầm biển 22kV từ Tuabin gió vào bờ, chiều dài 2,5km;
- Hệ thống điện, điều khiển, thông tin liên lạc của nhà máy;
- Trung tâm điều hành công nghệ cao;
- Các cơ sở hạ tầng và hệ thống phụ trợ cho nhà máy;
2. TÌNH TRẠNG PHÁP LÝ CỦA DỰ ÁN
- Văn bản số 97/SXD-KTQH ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc thỏa thuận địa điểm nhà máy điện gió tại An Hội, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu;
- Giấy chứng nhận đầu tư số 49121000417 ngày 24/05/2013 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc chứng nhận đầu tư Nhà máy điện gió huyện Côn Đảo với công suất 4,0MW với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió bán điện cho huyện Côn Đảo.
- Thỏa thuận số 464B/TTĐN/TNX-TCCĐN ngày 23/10/2013 về việc Thỏa thuận đấu nối giữa Trạm Cung cấp điện nước huyện Côn Đảo và Công ty CP Phát triển Công nghệ Tài Nguyên Xanh
- Văn bản số 2004/BXD-KTQH ngày 24/09/2013 của Bộ Xây Dựng về việc địa điểm cụm điều hành công nghệ cao dự án nhà máy điện gió huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Văn bản số 2256/BXD-KTQH ngày 26/11/2013 của Sở Xây Dựng về việc thỏa thuận địa điểm vị trí xây dựng nhà điều hành trung tâm thuộc dự án nhà máy điện gió huyện Côn Đảo.
- Đã đạt được thỏa thuận về giá bán điện cho dự án nhà máy điện gió huyện Côn Đảo.
- Đã ký hợp đồng mua bán điện, giá bán điện ổn định trong vòng 7 năm là 25cent.
3. CÁC THÔNG SỐ KỸ THUẬT, CẤU HÌNH CỦA NHÀ MÁY
- Công suất lắp đặt Tuabin gió: 2x2MWe
- Vị trí lắp đặt Tuabin: Trên biển. Phía Tây-Bắc cách cảng du thuyền 760m, phía Đông-Bắc giáp biển Đông, phía Đông-Nam cách mũi Cá Mập khoảng 3000m, và phía Tây-Nam cách NMĐ An Hội khoảng 1500m.
- Số lượng Tuabin gió: 02 bộ
- Độ cao Hub: 80m
- Kết cấu móng: Chân đế tripod (hoặc Móng bê tông cọc thép đài cao)
- Điện áp đấu nối: 22kV, điểm đấu nối tại NMĐ An Hội mở rộng
- Thời gian vận hành cực đại của Tuabin gió: khoảng 4.424 giờ/năm
- Điện năng sản xuất hàng năm từ tuabin gió: khoảng 17,7GWh
- Tổng mức đầu tư: khoảng 345,000,000,000 VNĐ
- Vận hành thương mại: Dự kiến tháng 11/2015
4. CÔNG NGHỆ NHÀ MÁY
- Tuabin gió kiểu trục ngang
- Sử dụng hệ thống hỗn hợp Wind-Diesel để ổn định công suất phát đầu ra. Bù công suất khi công suất phát từ năng lượng gió không đủ đáp ứng nhu cầu phụ tải.
- Dự kiến kết cấu móng Tuabin gió sẽ được thiết kế và chế tạo theo công nghệ của các giàn khoan dầu khí trên biển.
Phòng truyền thông thực hiện